Các ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng tại Nghệ An

17/10/2016 4507

Từ xưa tới nay, Nghệ An nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt bởi xứ Nghệ không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và nên thơ mà còn là nơi sản sinh ra nhiều bậc anh hùng tuấn kiệt, các danh nhân lịch sử…Nghệ An còn lưu giữ được nhiều di tích văn hoá lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh, lễ hội văn hoá truyền thống.

Dưới đây là các ngôi chùa nổi tiếng tại Nghệ An – là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn cho mỗi du khách tới tham quan, tìm hiểu.

Chùa Cần Linh – TP Vinh

Chùa Cần Linh thường được gọi là chùa Sư Nữ, tọa lạc ở phường Cửa Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông.

Chùa được dựng vào thời Hậu Lê. Năm 1942, Sư bà Diệu Viên đã tổ chức đại tu ngôi chùa, bảo tồn được nhiều tượng cổ. Kế tiếp là Ni sư Diệu Niệm trong 20 năm trụ trì đã trùng hưng ngôi chùa thành một danh lam xứ Nghệ ngày nay.

Khung cảnh chùa Cần Linh

Khung cảnh chùa Cần Linh

Năm 1992 Chùa Cần Linh đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Chùa Cổ Am Diễn Châu

Chùa Cổ Am được xây dựng vào thời hậu Lê (giữa thế kỷ XV). Ban đầu, chỉ có một am nhỏ để nhân dân đến lễ bái nên được gọi là Sơn Am Tự. Vào cuối thời Hậu Lê, chùa được nhân dân chuyển xuống chân lèn và đổi tên là Hương Phúc Tự. Tuy nhiên, trong thời gian ấy, làng Diễn Minh gặp nhiều rủi ro về mặt tâm linh không thể lý giải, nên vào đời vua Minh Mạng thứ 11, chùa được chuyển về vị trí cũ với tên gọi Cổ Am Tự như ngày nay.

Chùa Cổ Am

Chùa Cổ Am

Năm 1994, chùa được bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Năm 2010, chùa được UBND tỉnh Nghệ An cho phép phục dựng. Được UBND tỉnh chấp thuận, ngày 08/9/2011 đông đảo phật tử và nhân dân huyện Diễn Châu thỉnh Đại đức Thích Tâm Thành về trụ trì Chùa Cổ Am.

Với nhiều năm tu học ở một ngôi chùa lớn, có ảnh hưởng đến Phật Giáo Việt Nam và tham gia hoạt động phật sự trên thế giới, Đại đức Thích Tâm Thành phát tâm cùng nhân dân huyện Diễn Châu và Nghệ An xây dựng lại chùa Cổ Am để trở thành nơi sinh hoạt tâm linh, học tập đạo pháp cho khu vực.

Chùa Đại Tuệ – Nam Đàn

Chùa Đại Tuệ nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Chùa thờ Phật Bà Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiếm, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Ngôi chùa này là nơi đại giác, đại trí, đại dũng, vô ngã, vị tha, hy sinh, tất cả để đem lòng bác ái từ bi vô hạn, cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Theo tài liệu Phật của giáo hội Phật giáo Việt Nam đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật bà Đại Tuệ.

 

Khuôn viên chùa Đại Tuệ

Khuôn viên chùa Đại Tuệ

Chùa Đại Tuệ là không gian tâm linh thiêng liêng, hướng tới sẽ là một khu Di tích Lịch sử Văn hoá có tầm vóc tương xứng với giá trị lịch sử của chùa – Một khu du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn làm thoả lòng đồng bào và du khách thập phương.

Chùa Chí Linh – Yên Thành

Chùa Chí Linh hay còn gọi là chùa Gám tọa lạc tại xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Bức tượng Phật tại sân chùa Chí Linh

Bức tượng Phật tại sân chùa Chí Linh

Chùa Gám (Chí Linh Tự) một công trình văn hoá tâm linh nổi tiếng được xây dựng từ đời Trần, là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cùng với danh sơn Rú Gám sẽ là điểm đến của một khu du lịch sinh thái tâm linh tầm cỡ khu vực Bắc Trung Bộ tại mảnh đạt quê lúa Yên Thành.

Chùa Bà Bụt – Đô Lương

Chùa Bà Bụt còn được gọi là Tiên Tích tự tọa lạc ở thôn Thượng Thọ, xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, phủ Anh Sơn nay thuộc xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.  Địa thế chùa được xây dựng trên nền đất cao, thoáng, bên bờ tả ngạn của sông Lam.

Chùa Bà Bụt – Đô Lương

Chùa Bà Bụt – Đô Lương

Sự tích về chùa Bà Bụt gắn liền với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (được thờ tại đền Quả Sơn) được kể lại như sau:

Trong quá trình chinh phạt quân Chiêm Thành, Lý Nhật Quang được Phật bà Quan Âm linh ứng phù giúp cho ông đánh giặc thắng lợi. Tương truyền, Lý Nhật Quang đi đánh giặc Lão Qua, bị trọng thương, ngựa về đến Bạch Đường, thông Thượng Thọ (nay là xã Lam Sơn) có bà Tiên (ở Tiên Tích Tự) báo với ngài rằng: “Quả Sơn là nơi địa linh, muôn đời có thể hoá thân ở xứ ấy”.

Nghe lời bà Tiên, Ngài về đến Quả Sơn thì qui hoá. Quan quân bèn xây dựng phần mộ lập đền ở Quả Sơn. Do đó hàng năm có tục lễ “nghinh xuân” vào ngày 20 tháng Giêng, rước di tượng Lý Nhật Quang từ đền Quả Sơn đến chùa Bà Bụt lễ tạ long trọng.

Lễ hội đền Quả Sơn

Lễ hội đền Quả Sơn

Lễ tạ ơn là một trong những phần lễ có quy mô to lớn, gồm các chức sắc, nhân dân và du khách khắp nơi về dự lễ rất đông… Tại chùa Bà Bụt cứ đến ngày 20, 21 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, tín đồ Phật tử và nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ tạ để ghi nhớ công ơn bà Bụt phù giúp Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Nghi thức rước lễ diễn ra trang trọng, di tượng Uy Minh Vương được kiệu từ đền Quả Sơn sang chùa Bà Bụt.

Chùa Chung Linh – Thanh Chương

Chung Linh Tự hay còn gọi là chùa Chung Linh tọa lạc tại rú Chùa, xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Theo các tài liệu để lại và truyền miệng tại địa phương, chùa Chung Linh có niên đại khoảng 500 năm, với khuôn viên rất lớn, có tòa tháp. Theo tìm hiểu Chung Linh có nghĩa là Tiếng chuông linh thiêng  và là nơi thờ Phật linh thiêng.

Ngày 20/12/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định cho phép phục hồi chùa. Ngày 17/4/2011 lễ động thổ xây dựng chùa được diễn ra trang trọng. Ngày 10/8/2011, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bổ nhiệm Đại đức Thích Quảng Bảo đảm nhiệm chức vụ trụ trì chùa Chung Linh.

Chùa Phố Nghiêm – Nghi Lộc

Chùa còn có tên là Hoàng Lao hay Trung Kiên, tọa  lạc ở làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông.

Chùa Phổ Nghiêm - Nghi Lộc

Chùa Phổ Nghiêm – Nghi Lộc

Chùa được dựng vào cuối thế kỷ XVII (1690), đã được trùng tu nhiều lần. Đặc biệt ở chánh điện đã từ lâu có một phiến đá cao 107cm, có hình dáng giống một vị sư, dân gian quen gọi là tượng sư đá. Chùa còn bảo tồn một số tượng, bia cổ, giếng cổ. Lễ hội chùa hằng năm vào ngày 15 tháng 7 âm lịch.

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.