Chùa Tam Chúc – Cách đi và các điểm tham quan
17/05/2019 1955
Chùa Tam Chúc – Chốn bồng lai tiên cảnh nơi nhân gian – Nơi hội tụ đầy đủ những tinh hoa của Phật Giáo hiện nay và là 1 trong những khu du lịch tâm linh trọng điểm của quốc gia. Chính bởi sự kết hợp giữa nét cổ kính ngàn năm tuổi với thiên nhiên hùng vĩ pha nét lãng mạn đã thu hút đặc biệt với hàng triệu du khách trong và ngoài nước.
Chùa Tam Chúc cổ – Vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí chốn Bồng Lai
Là ngôi chùa có khuôn viên lớn nhất Thế giới, cách thành phố Phủ Lý chừng 12km, bao quanh là vùng núi đá vôi ngập nước. Với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, núi non hùng vĩ, phong cảnh hữu tình, chùa Tam Chúc cổ đang trở thành điểm đến lý tưởng của khách du lịch. Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc đẹp như một bức tranh thủy mặc khổng lồ với sự kết hợp tuyệt mỹ của sông, núi, hồ xung quanh chùa. Tất cả làm nên một Tam Chúc đẹp như cõi mộng, khiến du khách đến sẽ cảm nhận được sự thuần khiết, thanh bình và yên ả đến lạ thường.
Chùa Tam Chúc cũng chính là địa điểm được lựa chọn làm nơi đăng cai Đại lễ Phật giáo Thế giới Veskas 2019.
Lịch sử chùa Tam Chúc Cổ
Chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh và gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc – hậu Thất Tinh”. Theo truyền thuyết, 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc xuất hiện đốm sáng tựa như 7 ngôi sao sáng lấp lánh suốt đêm ngày. Dân làng gọi đó là núi “Thất Tinh” và chùa ở đây cũng được gọi là chùa Thất Tinh. Sau đó, có người đã đến núi nhằm lấy cắp đi 7 ngôi sao đặc biệt đó và họ đã chất củi thành nhiều đống lớn đốt trong nhiều ngày và kết quả là làm cho 4 ngôi sao bị mờ dần đi và chỉ còn lại 3. Chính vì thế chùa Thất Tinh sau này được đổi thành chùa Ba Sao hay còn gọi là chùa Tam Chúc cũng từ đó.
Thời điểm thích hợp để đi lễ chùa Tam Chúc
Đi chùa không đơn giản chỉ là để ước nguyện mà còn là khoảnh khắc con người hòa mình vào chốn tâm linh chính vì vậy mà bạn có thể lựa chọn bất kỳ thời điểm nào trong năm để đến đây.
Theo kinh nghiệm lễ chùa Tam Chúc đầu năm thì đến Tam Chúc vào mùa nào, ngày nào cũng được nhưng khách du lịch thường chọn lựa vào những ngày đầu năm, bắt đầu từ 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 âm lịch. Và bạn có thể đi du lịch Tam Chúc 1 ngày hay nhiều ngày tùy thích.
Từ tháng Giêng đến tháng 3 là mùa lễ hội. Việc bạn lựa chọn đi lễ chùa Tam Chúc vào dịp này sẽ rất đông vì đây là thời điểm mà mọi người đổ xô về chùa bái Phật, cầu mong tiền tài, danh vọng.
Tuy nhiên nếu bạn đi chỉ để “thưởng thức” trọn vẹn từ phong cảnh hữu tình, sự linh thiêng trầm mặc nơi cửa Phật và cả đồ ăn hơi đây thì bạn nên tránh dịp lễ hội đầu năm, mà có thể đi vào bất cứ dịp nào trong năm.
Việc bạn không có nhiều thời gian và chỉ đi lễ chùa Tam Chúc, lựa chọn những nơi linh thiêng nhất, đẹp nhất để khấn bái, cầu cúng thì bạn có thể đi trong một ngày. Tuy nhiên, nếu bạn còn muốn khám phá khung cảnh tuyệt đẹp của ngôi chùa lớn nhất thế giới này thì bạn sẽ cần tới 2-3 ngày bởi lẽ chùa Tam Chúc rất rộng. Cũng bởi vậy mà nhiều người quan tâm tới việc nghỉ lại qua đêm tại đây.
Hiện tại những nhà nghỉ hay khách sạn gần khu vực này đều chưa có mà bạn cần phải di chuyển tới Thành phố Phủ Lý để nghỉ lại qua đêm. Đến với thành phố Phủ Lý cách đó không xa, bạn có thể dễ dàng lựa chọn bất kỳ nhà nghỉ hay khách sạn nào bởi giá cả ở đây vô cùng phải chăng cùng với đó là sự nhiệt tình chỉ dẫn của những con người nơi đây.
Phương tiện di chuyển đến chùa Tam Chúc
Cách Hà Nội khoảng 60km nên việc di chuyển rất dễ dàng bằng 3 cách dưới đây:
- Xe bus: Là phương tiện tiết kiệm, an toàn nhất. Di chuyển ra bến xe Giáp Bát sau đó bắt chuyến bus số 206 Hà Nội – Phủ Lý Hà Nam
+ Tần suất của chuyến xe bus: 15 phút/ xe
+ Giá vé: Chiều đi 35k. Chiều về 30k
+ Thời gian di chuyển: Tầm 1 tiếng.
- Xe khách: Dọc theo cao tốc Pháp Vân – cầu Giẽ bạn có thể bắt bất kì tuyến xe nào chỉ cần chúng đi qua Hà Nam đều có thể đưa các bạn đến chùa Tam Chúc.
- Xe máy: Với quãng đường khoảng 60km thì hoàn toàn có thể đi được xe máy. Chạy dọc theo quốc lộ 1A qua cầu Giẽ. Cứ tiếp tục chạy thẳng là đến được Hà Nam.
Ngoài ra, nếu bạn ở khu vực miền Nam, thì các phương tiện đi lại hiện nay cũng rất phát triển, thuận tiện cho bạn. Bạn có thể lựa chọn những cách di chuyể dưới đây:
- Máy bay: Dừng chân tại sân bay Nội Bài và di chuyển bằng taxi hoặc những chuyến xe khách sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian.
- Tàu Hỏa: hiện tại chưa có điểm dừng ga tàu nào tại Phủ Lý – Hà Nam nên bạn cần dừng chân tại một số tỉnh miền trung hoặc miền bắc gần đó và bắt xe khách tới chùa.
- Xe khách: hiện nay có nhiều chuyến xe khách giường nằm chạy thẳng từ Nam ra Phủ Lý, bạn có thể lựa chọn cách di chuyển này vì nó an toàn và khá rẻ.
- Xe máy: Dành cho những bạn trẻ thích phượt, thích sự khám phá. Tuy nhiên việc đi lại xa sẽ làm bạn mệt và không an toàn.
Hà Nam là địa phận rất nghiêm ngặt về quy định giao thông nên khi lựa chọn phương tiện di chuyển là xe máy các bạn cần chú ý tuân thủ đầy đủ quy định và chú ý an toàn.
Giá vé tham quan khu du lịch chùa Tam Chúc là bao nhiêu?
Khu du lịch Chùa Tam Chúc mở cửa free đón tất cả khách thập phương. Quãng đường từ chỗ gửi xe đến vào trong chùa khá xa tầm 5km. Để tránh mệt mỏi và giữ sức đi được nhiều nơi thì các bạn nên bắt xe điện. Giá xe điện là 60k khứ hồi. Đối với trẻ em là 40k khứ hồi.
Những điểm bạn không thể bỏ qua khi đến với chùa Tam Chúc
Điện Tam thế (điện Tam Bảo), Chùa Ngọc (Đàn Tế Trời), Cây cầu huyền thoại là những điểm đặc sắc, nổi bật mà bạn nên dừng chân khi đi lễ chùa Tam Chúc.
Điện Tam Thế (Điện Tam Bảo)
Chỉ cần bước chân vào chùa là đã thấy được điện Tam Thế vô cùng khổng lồ với chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m², giúp cho 5.000 Phật tử có thể hành lễ cùng một lúc. Bên trong điện Tam Bảo có 3 bức tượng Phật được đúc bằng đồng ngồi trên đài sen có cánh sen sát vàng đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai.
Chùa Ngọc (Đàn Tế Trời)
Chùa Ngọc – 1 công trình độc đáo được làm bằng đá khối nặng 2000 tấn. Điểm đặc biệt là chúng ngắn kết được với nhau mà không cần dùng đến xi măng. Chùa Ngọc được xây dựng trên đỉnh núi Thất Tinh. Từ dưới chân núi, bạn phải leo gần 200 bậc thang đá mới lên được đến chùa. 3 ngôi tượng Phật trong chùa được làm từ đá Granit nguyên khối nhập khẩu từ Ấn Độ và một pho tượng Phật được làm từ ngọc quý.
Điện thờ Pháp Chủ Thích Ca Mâu Ni: Là nơi có pho tượng Phật khổng lồ nặng 200 tấn. Cho đến hiện tại thì đây là pho tượng Phật lớn nhất ở Đông Nam Á.
Cây cầu huyền thoại
Cây cầu là địa điểm sống ảo tuyệt vời cho các bạn trẻ khi đi du lịch chùa Tam Chúc. Lý do mà ngay từ ban đầu khuyên các bạn nên chọn đi xe điện bởi phải đi khá là xa. Đến tận cuối đường, đi qua một ngôi đền nhỏ mới đến được cây cầu này.
Một số lưu ý cần nhớ khi đi lễ chùa Tam Chúc Cổ
Chú ý đầu tiên là về cách ăn mặc. Miễn sao bạn cảm thấy thoải mái là được nhưng chùa vốn là chốn linh thiêng, tránh mặc những trang phục phản cảm, quá ngắn.
Chùa Tam Chúc hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng nên khó tránh khỏi bụi bẩn, ồn ào. Vì vậy nên hãy chuẩn bị cho mình những chiếc khẩu trang, mũ nón đầy đủ. Vì chùa rất rộng nên phải đi lại nhiều mới có thể ngắm được toàn cảnh nơi này do đó mà các bạn nên mang theo giày bệt, giày thể thao cho tiện di chuyển.
Vừa rồi là những chia sẻ về kinh nghiệm đi du lịch chùa Tam Chúc. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức, sự hiểu biết cho chuyến đi của mình thêm thú vị và trọn vẹn.