Nguồn gốc cà phê và các nước sản xuất cà phê hàng đầu hiện nay
17/02/2022 2605
Cà phê là một loại thức uống đã quá quen thuộc với người dân trên toàn thế giới. Khi bạn đang nhâm nhi tách cà phê, có bao giờ bạn tò mò về nguồn gốc xuất xứ của loại thức uống này chưa? Từ đâu và bằng cách nào con người có thể khám phá ra loại thức uống thơm ngon tới vậy?
Nếu bạn muốn biết về nguồn gốc của cà phê, cà phê có mấy loại và những quốc gia nào đang đứng hàng đầu về sản lượng cà phê sản xuất hàng năm thì đừng rời khỏi bài viết này nhé; tuoidep.net sẽ mang tới cho bạn những kiến thức cơ bản về cà phê một cách đơn giản và dễ hiểu nhất!
Nguồn gốc thức uống cà phê bắt nguồn từ đâu?
Nguồn gốc tên gọi “cà phê”
Theo wikipedia, tên gọi cà phê bắt nguồn từ tiếng Pháp là café, đây là một loại thức uống được tạo ra từ hạt của quả cà phê.
Theo truyền thuyết ghi lại vào năm 1671 ghi lại rằng, vào thế kỷ 9 (năm 801- 900) trong đàn dê của những người chăn dê ở Kaffa (thuộc Ethiopia ngày nay) sau khi ăn một cành cây có hoa trắng và quả màu đỏ thì đã chạy nhảy không mệt mỏi cho tới tận đêm khuya.
Với hiện tượng lạ đó, những người chăn dê đã kể lại với tu của một tu viện gần đó, và một người chăn dê đã ăn thử loại quả màu đỏ đó để xác nhận công hiệu của nó.
Dựa vào đó, các thầy tu đã đến xem xét lại khu vực ăn cỏ của bầy dê, lấy quả của loại cây đó về ép nước ra để uống và tỉnh táo cầu nguyện cho đến tận đêm khuya.. Như vậy có thể coi rằng nhờ chính đàn dê này con người đã biết được cây cà phê.
Sự phát triển của thức uống cà phê qua từng giai đoạn
Năm 1100: Cà phê đến với Ả Rập Xê Út
Vào khoảng năm 1100 (thuộc thế kỷ 14) những người buôn nô lệ đã mang cà phê từ Ethiopia sang vùng Ả Rập để trồng trọt trong các đồn điền. Lúc này người ta chỉ pha chế cà phê bằng cách cho hạt vào nước và nấu sôi. Thức uống này giúp tỉnh táo nên được ưa thích mà vẫn phù hợp với luật lệ khắt khe của kinh Koran nên dần phổ biến trong thế giới Hồi giáo.
Năm 1454: Thức uống cà phê trở nên phổ biến trong xã hội
Đến khoảng năm 1454 (giữa thế kỷ 15) con người mới biết rang hạt cà phê lên và sử dụng nó làm đồ uống. Lúc này, vùng Ả Rập là nơi trồng cà phê độc quyền. Trung tâm giao dịch cà phê là thành phố cảng Mocha, hay còn được gọi là Mokka, tức là thành phố Al Mukha thuộc Yemen ngày nay.
Vào thời điểm này, những quán cà phê đầu tiên được mở, chúng được gọi là Kaveh, đây là nơi diễn ra những buổi họp tôn giáo, hội họp ca hát và trò chuyện. Cà phê thực sự đã trở thành một thức uống thay đổi xã hội.
Cà phê du nhập vào Châu Âu
Với sự bành trướng của Đế quốc Ottoman (Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ) đồ uống này càng ngày càng được ưa chuộng hơn. Quán cà phê đầu tiên được mở ở Ba Tư. Trong những quán nhỏ ở vùng tiểu Á, Syria và Ai Cập người ta gặp nhau để thưởng thức loại đồ uống kì lạ.
Kể từ năm 1532 các quán cà phê luôn đông nghịt khách. Vào thế kỉ 17 cây cà phê được trồng phổ biến tại các thuộc địa của Hà Lan, đưa nước này thống trị ngành thương mại cà phê.
Ở Constantinopolis (Istanbul ngày nay) có lẽ cà phê được biết đến lần đầu tiên vào năm 1517 (khi ông hoàng Selim I chiếm lĩnh Ai Cập).
Năm 1554 quán cà phê đầu tiên ở châu u đã được mở ở đây bất chấp sự phản đối của nhà thờ.
Vào năm 1645 quán cà phê đầu tiên của Ý được mở ở Venezia.
Năm 1650 ở Oxford và năm 1652 ở Luân Đôn lần lượt xuất hiện các quán cà phê đầu tiên của Vương quốc Anh và là sự ra đời của lịch sử cà phê rang xay.
Pasqua Rosee, một người nhập cư Do Thái, người tiên phong mở quán cà phê đầu tiên tại London (thành phố nổi tiếng nước Anh), ông rang xay cà phê tại nhà và bán cà phê cho tất cả mọi người (đây là lúc chính thức cà phê rang xay ra đời, ông mở ra một xu hướng và phong cách thưởng thức cà phê hoàn toàn mới so với tất cả mọi người và mọi tầng lớp.
Ở Pháp những quán đầu tiên được khai trương vào năm 1659 ở thành phố cảng Marseille, Paris theo sau vào năm 1672.
Vào năm 1683 Wien cũng có quán cà phê đầu tiên (do một người Ba Lan thành lập), sau khi Áo giành thắng lợi trước Thổ Nhĩ Kỳ và tịch thu được 500 bao cà phê chiến lợi phẩm. Thủ đô Wien sau đó trở thành thành phố với những quán cà phê nổi tiếng nhất.
Từ nước Pháp, cà phê du nhập vào Đức qua thành phố cảng Bremen vào năm 1673. Năm 1679 quán cà phê đầu tiên của Đức được một người Anh mở ở Hamburg, sau đó là Regensburg (1686) và Leipzig (1694).
Có những loại cà phê nào hiện nay?
Cà phê hiện nay gồm ba dòng cây cà phê chính:
- Coffea arabica (Cà phê Arabica) – cà phê chè.
- Coffea canephora (Cà phê Robusta) – cà phê vối.
- Coffea excelsa (Cà phê Liberia) – cà phê mít.
Cà phê Arabica
Cà phê Arabica ưa sống ở vùng núi cao. Arabica thường được trồng ở độ cao từ 1000 – 1500m. Cây có tán lớn, màu xanh đậm, lá hình oval.
Cây cà phê Arabica trưởng thành có thể cao từ 4 – 6m, nếu để mọc hoang dã có thể cao đến 15m. Quả hình bầu dục, mỗi quả chứa hai hạt. Arabica có giá trị kinh tế nhất trong số các loài cây cà phê.
Cà phê Arabica có nhiều giống nhưng C.arabica và C.arabica Bourbon được biết đến như những giống đầu tiên. Các giống khác chỉ được cho là sản phẩm của hai giống này. Cà phê Bourbon được người Pháp đưa tới Mỹ, sau đó phát triển mạnh mẽ ở đây.
Mặc dù C.arabica và C.arabica Bourbon được trồng phổ biến hơn cả, nhưng bên cạnh đó vẫn có một số giống khác được trồng và cho năng suất cao cùng với khả năng chống sâu bệnh tốt. Và đây cũng là những yếu tố này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hương vị của cà phê khi thưởng thức.
Cà phê Arabica bao gồm: Typica, Bourbon, Caturra, Mundo Novo, Catuai, Pache Commum, Pache Colis, Cartimor, Kent, Maragogype, Maragogype, Blue Mountain.
Typica
Đây là giống cây căn bản mà từ đó rất nhiều loại giống khác có thể được tạo ra. Cũng như các loại giống Arabica khác, Typica có hình nón với một thân chính mọc thẳng và nhiều thân phụ mọc xiên. Typica cao tới 3.5 đến 4 mét.
Cành cây làm thành những góc từ 50 – 70 độ so với thân thẳng của cây. Typica có năng suất rất thấp nhưng lại cho ra loại cà phê có chất lượng tuyệt vời.
Bourbon
Bourbon có sản lượng nhiều hơn từ 20-30% so với Typica, nhưng lại là giống cho ít cà phê nhất trong tất cả.
Bourbon không mang hình nón rõ ràng như Typica, nhưng lại phân cành nhiều hơn. Góc giữa cành và thân nhỏ hơn, và khoảng cách giữa gốc của các cành trên thân rất nhỏ.
Lá cây rộng và xoăn ở rìa. Quả của cây thường nhỏ và khá nặng. Quả thường chín rất nhanh và dễ rụng khi có gió hoặc mưa to.
Giống cà phê Bourbo cho kết quả tốt nhất ở độ cao 1.000 đến 2.000m. Chất lượng cà phê cũng rất tuyệt giống như Typica.
Caturra
Là giống đột biến của Bourbon, được phát hiện ở Brazil. Caturra cho năng suất cao và chất lượng tốt, tuy nhiên cần được chăm sóc và bón phân cẩn thận.
Cà phê Caturra có thân ngắn và dày, phân cành rất nhiều. Lá to và xoăn ở rìa giống như Bourbon.
Caturra thích hợp với nhiều môi trường, nhưng phát triển tốt nhất ở độ cao 600 đến 1.500m với lượng mưa hàng năm từ 2500 đến 3500 mm. Ở độ cao lớn hơn thì chất lượng sẽ cao hơn, tuy nhiên năng suất sẽ giảm.
Mundo Novo
Là giống lai tự nhiên giữa Typica và Bourbon, được tìm thấy ở Brazil. Loại cây cà phê nay khỏe và có khả năng chịu bệnh tốt.
Mundo Novo có năng suất cao nhưng thời gian trồng lâu hơn các giống khác. Giống này thích hợp với độ cao từ 1.000 đến1.500m, với lượng mưa từ1200 đến 1800 mm.
Catuai
Là loại cho năng suất cao, kết quả lai giữa Mundo Novo và Caturra. Cây loại này nhỏ, các cành bên thường rất sát với các cành chính. Quả của loại cây này không dễ rụng, thích hợp với những vùng hay có gió hoặc mưa to.
Cây cà phê Catuai cũng cần được chăm sóc và bón phân đầy đủ.
Pache Commum
Pache commum là đột biến của Typica, lần đầu tiên được tìm thấy ở trang trại El Brito, Santacruz Naranjo, Santa Rosa, Goatêmala. Cà phê loại này được đánh giá là có vị dịu và thanh. Pache comum thích hợp với độ cao 1.000 đến 1.500m.
Pache Colis
Được tìm thấy tại một trang trại trồng Pache comum và Caturra ở Guatemala. Quả của loại cây này to, lá sần sùi. Pache colis có khả năng chống chịu với phoma.
Thân và cành của loại này phân nhánh nhiều. Cây mọc cao từ 0.8 đến 1.25m. Pache colis thích hợp với độ cao từ 1.000 đến 1.800m so với mực nước biển, với nhiệt độ trong khoảng từ 20-21°C.
Catimor
Được tạo ra ở Bồ Đào Nha năm 1959, Catimor là giống lai giữa Timor và Caturra.
Cây trưởng thành sớm và cho năng suất cao, thường là bằng hoặc hơn các loại giống thương mại khác. Chính vì đặc điểm này mà quá trình bón phân và trồng bóng cần được điều chỉnh kĩ lưỡng.
- Giống Catimor T-8667 có tầm vóc nhỏ nhưng cho quả và hạt to.
- Catimor dòng T-5269 khỏe và thích hợp với những vùng có độ cao từ 600 đến 900m với lượng mưa hàng năm khoảng 3000mm.
- T-5175 khỏe và cho năng suất cao,nhưng không được trồng ở độ cao quá cao hay thấp. Nếu trồng nơi quá thấp thì chất lượng sẽ giống với các giống Catimor khác, nhưng nếu trồng ở độ cao quá 1.200m so với mực nước biển thì các giống khác sẽ cho chất lượng tốt hơn.
Maragogype
Là giống đột biến của Typica được tìm thấy ở Brazil. Cây thuộc giống này thường cao và to hơn so với các giống Bourbon và Typica.
Năng suất của cây Maragogype thấp, nhưng bù lại cho hạt to. Cây loại này phát triển tốt nhất ở độ cao 2000 đến 2500 m. Chất lượng của loại này được đánh giá cao ở một số thị trường nhất định.
Blue Mountain
Là loại giống khá nổi tiếng, được ưa chuộng bởi khả năng chống chịu bệnh nấm quả (Coffee Berry disease) và khả năng phát triển mạnh ở độ cao lớn.
Cà phê Blue Mountain được trồng ở Jamaica và Kona, Hawaii. Tuy nhiên, loại cây này không thích hợp với nhiều loại khí hậu. Sự thay đổi khí hậu có thể làm hương vị bị thay đổi.
Cà phê arabica có vị chua thanh xen lẫn với vị đắng nhẹ. Sau khi pha cho nước cho màu nâu nhạt, trong trẻo như màu của hổ phách.
Arabica có mùi hương thanh tao, quý phá dễ dàng thu hút và chinh phục người thưởng thức. Khi uống, cà phê arabica có vị chua thanh xen lẫn đắng dịu.
Cà phê Arabica là nguyên liệu chính của các hãng cà phê nổi tiếng nhất trên thế giới.
Cà phê Robusta
Robusta hay còn gọi là cà phê vối là cây quan trọng thứ hai trong các loài cà phê. Khoảng 39% các sản phẩm cà phê được sản xuất từ loại cà phê này. Cây cà phê vối có dạng cây gỗ hoặc cây bụi, chiều cao của cây trưởng thành có thể lên tới 10m.
Quả cà phê có hình tròn, hạt nhỏ hơn hạt cà phê arabica (cà phê chè). Hàm lượng caffein trong hạt cà phê vối khoảng 2-4%, trong khi ở cà phê arabica chỉ khoảng 1-2%.
Cà phê robusta ưa sống ở vùng nhiệt đới, độ cao thích hợp để trồng cây là dưới 800m. Nhiệt độ ưa thích của cây khoảng 24-29°C, lượng mưa khoảng trên 1000mm. Cây cà phê vối cần nhiều ánh sáng mặt trời hơn so với cây cà phê chè. Hạt Robusta nhỏ hơn Arabica, vị đắng hậu vị chiếm chủ yếu.
Cà phê Liberia
Loại cây này cao từ 2m – 5m. Thân, lá và quả đều to, khác biệt hẳn cà phê robusta. Cà phê liberia có lá to, xanh đậm nhìn xa như cây mít nên gọi là cà phê mít.
Cây chịu hạn tốt, ít cần nước tưới nên thường trồng quảng canh. Tuy nhiên do năng suất kém, có vị chua nên không được ưa chuộng và phát triển diện tích.
Top 5 nước nổi tiếng về sản xuất cà phê hiện nay
Hiện nay, cà phê được trồng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Theo thông tin được đưa từ trang visualcapitalist.com về tổng sản lượng cà phê sản xuất năm 2020 là khoảng 169,6 triệu bao cà phê (mỗi bao 60 kg) và top 10 quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất, nắm giữ 87% thị phần mặt hàng này gồm có: Brazil (37,4%), Việt Nam (17,1%), Colombia (8,4%), Indonesia (7,1%), Ethiopia (4,3%), Honduras (3,6 %), Ấn Độ (3,4%), Uganda (3,3%), Mexico (2,4%), Peru (2,2%).
Brazil
Brazil là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê trong hơn 150 năm qua, với sản lượng sản xuất năm 2020 chiếm 37,4% tổng sản lượng cà phê được sản xuất trên toàn thế giới.
Tại Brazil có khoảng 300.000 trang trại cà phê bao phủ khoảng 27.000 km2 nằm rải rác trên khắp đất nước. Các tiểu bang: Minas Gerais, São Paulo và Parana là nơi tập trung nhiều trang trại cà phê nhất bởi nơi đây có khí hậu và nhiệt độ lý tưởng cho việc sản xuất cà phê chất lượng cao.
Quy trình sản xuất cà phê của Brazil cũng là một nét riêng biệt và thiên về sự tự nhiên hơn so với các quốc gia sản xuất cà phê khác. Brazil áp dụng quy trình sản xuất khô thay vì phương pháp ướt khi phải rửa sạch hạt cà phê bằng nước. Theo quy trình khô, quả cà phê sẽ được phơi ngoài không khí để làm khô và mất nước tự nhiên nhờ vào ánh nắng mặt trời.
Việt Nam
Sau Brazil, đứng thứ 2 là Việt Nam, chiếm khoảng 17,1% tổng sản lượng được sản xuất trên thế giới (năm 2020).
Trên thị trường cà phê toàn cầu, Việt Nam đã tìm được thị trường thích hợp bằng cách tập trung chủ yếu vào loại cà phê Robusta rẻ tiền hơn. Hạt Robusta có thể có lượng caffein gấp đôi so với hạt Arabica, khiến cà phê có vị đắng hơn.
Ngày nay, Việt Nam chiếm hơn 40% sản lượng cà phê Robusta của thế giới. Cà phê trồng ở Việt Nam cũng cho năng suất cao. Sản lượng cà phê của quốc gia này cao hơn đáng kể so với các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu khác.
Colombia
Một chiến dịch quảng cáo nổi tiếng với hình ảnh hư cấu một nông dân trồng cà phê tên là Juan Valdez đã giúp thương hiệu Colombia trở thành một trong những quốc gia sản xuất cà phê nổi tiếng nhất.
Là thức uống được nhiều người ưa thích, cà phê Colombia được đánh giá cao nhờ hương vị trái cây thơm, dịu nhẹ.
Năm 2020, đất nước Colombia chiếm khoảng 8,4% tổng sản lượng cà phê sản xuất trên toàn thế giới.
Indonesia
Một số loại cà phê hiếm nhất ở thế giới phương Tây có nguồn gốc từ Indonesia, bao gồm Kopi Luwak – một loại đậu đã bị con cầy cọ châu Á ăn và đào thải. Đặc sản làm từ những hạt cà phê đặc biệt này có thể có giá khoảng từ 35 đến 100 USD mỗi cốc.
Indonesia chiếm khoảng 7,1% tổng sản lượng cà phê sản xuất trên toàn thế giới vào năm 2020.
Ethiopia
Được biết đến với những hạt cà phê có hương vị quyến rũ và nhẹ nhàng, Ethiopia là quốc gia canh tác cây cà phê Arabica. Ngày nay, loại cà phê này được cho là bán rộng rãi nhất trong các quán cà phê và nhà hàng trên toàn thế giới.
Năm 2020, đất nước Ethiopia chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng cà phê sản xuất trên toàn thế giới.
Có thể nói rằng, cà phê ngày nay đã trở thành thức uống phổ thông mà gia đình nào cũng sử dụng ít nhiều. Cà phê rất đa dạng về cách thức pha chế cũng như tùy vào “gu” thưởng thức của từng người mà sẽ lựa chọn cách uống phù hợp. Vì vậy, bài sau tuoidep.net sẽ chia sẻ tới các bạn về các loại cà phê phổ biến và cách pha chế cà phê nhé.
Bài viết này được tổng hợp từ nhiều nguồn như wikipedia, báo vov, và một số trang tin khác trên mạng internet.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi!