Du lịch Tràng An thiếu an toàn khi không mặc áo phao
27/04/2015 267
Du ngoạn Tràng An ngắm cảnh núi sông là một hình thức du lịch sinh thái rất phát triển trong những năm gần đây. Chúng tôi đã từng có dịp tới đây và ngồi thuyền trên sông Tràng An khoảng 3 tiếng đồng hồ để tham quan hết những hang động, ngắm cảnh sông núi hữu tình.
Tuy nhiên, ngoài cảm giác mãn nhãn với làn nước trong veo sâu thẳm, những hang động huyền bí đầy nhũ, Chúng tôi còn có thêm cảm giác sợ hãi khi trên chiếc thuyền là 6 người lớn chốc chốc lại nghiêng ngả, dập dìu theo sóng nước. Chúng tôi chỉ thực sự thấy an tâm khi thuyền cập bến, kết thúc hành trình du ngoạn sông nước.
Được biết, theo thông tư 15/2012/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân có hiệu lực từ ngày 15/7/2012, thế nhưng trên thực tế, hầu hết các đò vận chuyển du khách qua sông tại khu du lịch Tràng An đều không trang bị áo phao cho du khách khi đi đò.
Có mặt trên một chuyến đò vào ngày thứ 7 cuối tuần đúng mùa cao điểm du xuân, chúng tôi khá “choáng” vì dập dìu trên dòng sông Tràng An là nườm nượp đò chở khách. Thậm chí có những đoạn vào trong hang động, lòng hang hẹp, đuôi thuyền nọ đấu đầu thuyền kia là chuyện bình thường. Thế nhưng “choáng” hơn là từ người già, phụ nữ, trẻ em… tất cả đều không được trang bị áo phao khi lên đò. Trung bình một đò chở 6 người lớn nhưng cũng có khi thành 7 người, hay thậm chí thêm vài em bé, nhưng tất cả đều không có bất kì một thiết bị bảo hộ nào.
Bước xuống đò, chúng tôi càng lo vì con đò thô sơ và chẳng có bóng dáng áo phao nào trên đó. Mang “nỗi lo canh cánh” để hỏi chú lái đò về việc “Sao không có áo phao cho chúng cháu mặc”, chú lái đò giải thích khá nhiệt tình: “Thuyền này trong làm bằng xốp đấy, có làm sao thì nó cũng vẫn nổi. Còn các cháu mặc áo phao, nếu rơi xuống nó cũng vẫn ướt cơ mà”.
Thông thường, mỗi chuyến đò tham quan trên sông sẽ mất tầm ít nhất 2 tiếng, lại đi qua rất nhiều động có địa thế hẹp, thuyền san sát nhau nên nếu không có áo phao để du khách đề phòng bất trắc, đặc biệt là với những ai không biết bơi, với trẻ em thì càng đáng lo ngại.
Không chỉ thiếu áo phao, nhiều con đò ở đây còn chở quá số người quy định. Được biết, theo quy định của Ban quản lý di tích, mỗi đò chỉ được chở tối đa 7 người, nhưng vẫn có những đò chở hơn số người (thêm người lớn hoặc thêm nhiều trẻ em).
Việc du khách không được trang bị áo phao còn đặc biệt nguy hiểm khi đi qua những đoạn có hang động nhất là khi qua những đoạn nhũ đá sà xuống cực thấp, lòng nước bé, chỉ lách được đúng một đò qua, trong khi đò dồn lại khá đông, du khách phải cúi sát, đò va chạm vào nhau vô cùng nguy hiểm. Khách lúc đó chỉ biết cầu trời để không bị ngã xuống sông.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc sở Văn Hóa & Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, theo đúng quy định thì khách tham quan khu du lịch Tràng An phải đeo áo phao để đảm bảo an toàn.
“Trên thực tế, nhiều khi khách khi tham quan lại không muốn mặc áo phao (trong buổi tham quan của mình, mặc dù chúng tôi có yêu cầu được mặc áo phao nhưng trên thuyền không hề có – PV). Người dân chèo đò nhiều khi yêu cầu khách mặc áo phao nhưng du khách từ chối, nhất là thời tiết nắng nóng như hiện nay. Còn phao thì được trang bị vài nghìn chiếc, đáp ứng đủ cho mọi người khi tham quan nhưng vì khách không muốn mặc nên số áo phao này vẫn để trong kho. Còn quan điểm của chúng tôi là luôn yêu cầu người dân mặc áo phao, thứ nhất để đảm bảo an toàn cho khách, thứ hai đảm bảo an toàn cho khu du lịch” – ông Phong cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa & Du lịch tỉnh Ninh Bình, mực nước ở Tràng An tương đối ổn định, còn độ sâu thì có nơi sâu 1,5m, có nơi sâu 1,2m. “Việc kiểm tra áo phao cho du khách để đảm bảo an toàn là chức năng và nhiệm vụ của Sở GTVT tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, chúng tôi cũng đã tham mưu cho ủy ban tỉnh là đề nghị Sở GTVT kiểm tra và Sở cũng đang tích cực làm việc này”, ông Phong nói thêm.