Lễ hội hoa cúc chùa Ba Vàng – Quảng Ninh 2016

26/09/2016 849

Ngày 9/10/2016 (09/09/Bính Thân), chùa Ba Vàng Tp.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ hội hoa Cúc vào dịp Tết Trùng dương hay còn gọi là Tết Trùng Cửu. Lễ hội Hoa Cúc năm 2016 lại đại lễ lớn của chùa Ba Vàng. 

Lễ hội triển lãm hoa năm nay là lễ hội lớn nhất cả nước, quy tụ 100 loài hoa cúc từ các nơi và cả nước ngoài về để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật từ hoa.

Lễ hội hoa cúc chùa Ba Vàng 2016

Lễ hội hoa cúc chùa Ba Vàng 2016

“Ngày 09/09 âm lịch là ngày Tết cổ xưa của người Việt, gọi là Tết Trùng Dương hay còn gọi lầ Tết Trùng Cửu, lấy sự lặp lại của hai số 9 để nói về sự trường thọ. Tết Trùng Cửu ở Việt Nam ngày nay ít người còn biết đến về một tập tục khá phổ biến xưa kia, mang nhiều nét đẹp về văn hóa.

Vì hình ảnh hoa cúc rất thân thiện với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cũng như văn hóa đời Trần và được Tam Tổ Huyền Quang giành nhiều sự quan tâm yêu thích. Thầy Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng cùng các đệ tử và các Phật tử, những người yêu văn hóa truyền thống dân tộc mong muốn được xây dựng một lễ hội hoa cúc chùa Ba Vàng, nhằm khôi phục và phát huy một nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt.

Đây là lần thứ hai lễ hội hoa cúc được tổ chức và sẽ tạo nên một sinh hoạt văn hóa tâm linh hàng năm.

Lễ hội được khai mạc vào 7h30, chủ nhật, ngày 09/10/2016 tức ngày 09/09 Bính Thân.”

Hoa Cúc vốn là một loài hoa đặc trưng của mùa thu, đồng thời cũng là một trong những biểu tượng văn hóa Phật giáo dưới thời nhà Trần. Trong thơ ca của Tam Tổ Trúc Lâm hình ảnh hoa cúc luôn được xuất hiện mang nhiều tinh thần triết lý của đạo Phật Trúc Lâm; Đặc biệt trong thơ của Tam tổ Huyền Quang hình ảnh hoa cúc trở nên thi vị mang nhiều triết lý nhân sinh:

“Năm cuối giữa rừng không có lịch

Nhìn hoa cúc nở biết Trùng Dương.” (Bài thơ Hoa cúc số 2).

 

Tại mảnh đất non thiêng Yên Tử trong quá trình khảo sát và tìm hiểu thì nơi đây cùng lúc tồn tại cả bốn loài cây được dân gian đặt vào bốn loài Tứ Quý: Tùng – Cúc – Trúc – Mai, cho đến ngày hôm nay hình ảnh những cây Tùng – Trúc  – Mai vẫn còn hiện diện như một biểu tượng cao quý của thiền phái Trúc Lâm, còn hình ảnh loài hoa Cúc chỉ tồn tại dưới những hệ thống hoa văn cổ xưa còn tồn tại khắp trên các di tích nơi đây.

Giới thiệu về chùa Ba Vàng – Quảng Ninh

Toạ lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, chùa còn có tên gọi là Bảo Quang tự, tên dân gian thường gọi là Ba Vàng. Chùa nằm ở độ cao 340m trên một vị trí rất đẹp ở phía tây thành phố Uông Bí, phía trước là Bạch Đằng giang uốn lượn, xa xa là thành phố cảng Hải Phòng, hút tầm mắt là biển Đồ Sơn với muôn trùng sóng vỗ. Bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là những dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ phục xuống.

Chùa Ba Vàng mới

Chùa Ba Vàng sau khi xây dựng mới

Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào. Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706) và ngôi chùa lúc đó được gắn liền với tên tuổi Ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659 – 1758). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13.

Toàn cảnh chùa Ba Vàng

Toàn cảnh chùa Ba Vàng

Tuy nhiên chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử ngôi chùa liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Ban đầu chùa được xây dựng bằng gỗ và sau đó năm 1993 chùa được trùng tu lại bằng xi măng.

Hiện vật đáng chú ý nhất của chùa Ba Vàng còn sót lại tới hôm nay là một số di vật bằng đá, bao gồm 1 bia đá cao 0,52 m, rộng 0,38 m, dày 0,12 m, 2 con rùa đá và 1 cây hương bằng đá cao 1,2 m 4 mặt, mỗi mặt rộng 0,22 m. Theo dòng chảy thời gian, chữ Hán trên bia đá và cây hương đá đã mòn, rất khó đọc.

Riêng cây hương bằng đá, phần lớn chữ ở mặt bia đã bị phai mờ, chỉ còn lại một số chữ lớn giáp đầu bia ghi các chữ: Thành Đẳng Sơn, Bảo Quang tự, Thiên đài trụ. Nghĩa là trụ đài đá chùa Bảo Quang, núi Thành Đẳng.

Đến năm 2007, Đại đức Thích Trúc Thái Minh –  đã được chính quyền và nhân dân địa phương tha thiết thỉnh cầu về làm trụ trì chùa Ba Vàng.

Tháng 1 năm 2011, để đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni, Phật tử và hoằng dương Phật Pháp, ngôi chùa một lần nữa được khởi công xây dựng lần thứ tư với quy mô to lớn khang trang.

Buổi tối tại chùa Ba Vàng

Buổi tối tại chùa Ba Vàng

Sau 3 năm xây dựng, chùa đã hoàn thiện một số hạng mục như: Ngôi Đại Hùng Bảo Điện (4500m2), Lầu Chuông (112 m2), Lầu Trống (112 m2), Hành Lang La Hán (200m2), Nhà Bảo Tàng (700 m2), Thư Viện (700 m2), Khu Nhà Tăng (1600 m2), Thiền Đường (960 m2), Cổng Đá, Cổng Tam Quan Trung, Cổng Tam Quan Nội, và một số công trình phụ.

Cảnh trong khuôn viên chùa Ba Vàng

Cảnh trong khuôn viên chùa Ba Vàng

Ngày 9/3/2014 (9/2/ Giáp Ngọ ) chùa Ba Vàng tổ chức Đại Lễ Khánh Thành và nhận bằng kỷ lục “Ngôi chùa trên núi có Chính Điện lớn nhất Đông Dương.”

Nguồn: chuabavang.com.vn

Thẻ: