Cách đi phượt chinh phục A Pa Chải – Điện Biên bạn đã biết?
05/09/2016 1149
A Pa Chải là điểm cực Tây trên đất liền của Việt Nam, vùng giáp biên 2 nước Trung Quốc và Lào thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách TP Điện Biên Phủ khoảng 250 km. A Pa Chải được mệnh danh là “1 con gà gáy cả 3 nước đều nghe thấy”.
Nằm ở độ cao 1864 m so với mực nước biển, nơi đây tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác. A Pa Chải trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn. Cách 500 km từ Hà Nội lên thành phố Ðiện Biên Phủ với chặng đường núi gập ghềnh, quanh co …
Để có một chuyến phượt A Pa Chải an toàn, đáng nhớ và ý nghĩa, bạn có thể tham khảo một số thông tin dưới đây:
Thời điểm thích hợp phượt A Pa Chải
Mùa mưa từ tháng 4 – 10. Mùa khô từ tháng 11 – 3 năm sau kết hợp với một số mùa đặc trưng của Tây Bắc để có thể đi được nhiều nơi trong cùng một chuyến đi như : mùa lúa 9 (tháng 9), mùa hoa ban nở (tháng 3), mùa dã quỳ (tháng 12) mùa hoa mận (tháng 11); tránh đi vào ngày mưa bão, các dịp lễ …
Cung đường phượt A Pa Chải
Từ Hà Nội, bạn đi theo quốc lộ 6 – qua thị xã Hòa Bình – Cao Phong, thị trấn Mộc Châu – Yên Châu – Lai Châu – Thuận Châu, Tuần Giáo – quốc lộ 279 đến Điện Biên Phủ chặng đường núi gập ghềnh, quanh co thêm chừng 260 km nữa vào đến xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, nơi có đường biên giới tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc.
Từ đây, bạn tiếp tục xuôi theo con đường nhựa xuyên Mường Nhé là sẽ đến A Pa Chải. Vào mùa khô đường đến A Pa Chải tương đối dễ đi, nhưng vào mùa mưa, những cung đường trở nên rất khó khăn, thậm chí rất nguy hiểm.
Thủ tục xin phép để tới A Pa Chải
Trước khi tới A Pa Chải bạn cần làm thủ tục xin phép rồi mới được vào. Các bạn cần có giấy tờ giới thiệu của địa phương nơi mình sinh sống, cư trú hoặc địa chỉ nơi làm việc để xin phép Bộ chỉ huy biên phòng Điện Biên. Sau đó họ sẽ cho bạn giấy giới thiệu xuống đồn Điện Biên Phòng và chính quyền địa phương (đây là thủ tục bắt buộc khi tới A Pa Chải).
Chinh phục A Pa Chải
A Pa Chải gắn liền với cột mốc số 0, nằm trên đỉnh núi Khoang La San. Từ Điện Biên có nhiều cách để lên A Pa Chải tuy nhiên đa phần dân phượt đều lựa chọn cung đường sau:
Đi qua Mường Chà – Mường Nhé – Chung Chải – Đồn Biên Phòng 405 Leng Su Sìn – Tả Kho Khừ – Đồn Biên Phòng 317 A Pa Chải.
Từ Đồn Biên Phòng 317, bạn có thể di chuyển bằng xe đến chân núi Khoang La San, để xe tại chân núi rồi bắt đầu hành trình chinh phục Cực Tây. Vì đường núi gập ghềnh nhiều sỏi đá, phải di chuyển qua những ngọn đồi có nhiều cỏ sắc nhọn, những đoạn dốc dựng đứng qua những cánh rừng già, bạt ngàn gai nhọn…các bạn sẽ thấm được cái mệt và lạnh buốt của núi rừng. Đặc biệt, không thể tránh khỏi những cú ngã đau, do đó để chinh phục A Pa Chải đòi hỏi các bạn phải có một ý chí kiên cường và lòng quyết tâm cao độ (thường sẽ mất khoảng 4-5 tiếng).
Các điểm lưu trú khi tới A Pa Chải
Bạn tới đây có thể nghỉ tại các khách sạn ở Điện Biên, Mường Nhé, Sín Thầu hoặc đồn biên phòng 317. (Nếu ở bản Sín Thầu bạn phải nên gặp trưởng bản đề trình bày và được đăng kí tạm trú). Nghỉ tại đồn biên phòng 317, giá dao động 250.000 – 500.000 đồng một phòng, tùy chất lượng.
Tại những điểm dừng chân trên đều phục vụ ăn uống, do đó các bạn nên thưởng thức tại khách sạn để thuận tiện cho việc di chuyển.
Một số món đặc sản Điện Biên bạn nên thử:
- Nộm rêu (món ăn của người Thái)
- Vịt om hoa chuối
- Bắp cải cuộn nhót xanh
- Nếp nương
- Xôi chim
- Xôi 7 màu
- Gà đen Tủa Chùa
Gợi ý một lịch trình phượt A Pa Chải cho bạn tham khảo và lên khế hoạch:
1. Lịch trình 3 ngày 4 đêm
Ngày 0 : Hà Nội – Điện Biên
- Đi xe giường nằm từ Hà Nội lên Điện Biên
- Gửi xe máy theo ô tô
- Ngày 1 : Điện Biên – Mường Chà – Mường Nhé – Đồn 317
- Sáng sớm có mặt ở Điện Biên, ăn sáng vào Bộ chỉ huy Biên Phòng tỉnh xin giấy phép.
- Đi thẳng từ Điện Biên vào Mường Nhé (200km)
- Có thể lựa chọn nghỉ ngơi tại Mường Nhé (nếu đi vào các dịp lễ đông như 30-4) hoặc vào thẳng đồn 317 ngủ nhờ
Ngày 2 : Đồn 317 – Mốc 0 – Đồn 317 – Mường Nhé
- 8h sáng dậy ăn sáng, chuẩn bị đồ mang theo dọc đường và đồ ăn trưa để leo mốc
- 12h-14h tới mốc 0, dừng chụp ảnh và ăn trưa. Thời gian tùy thuộc vào khả năng leo núi của từng đoàn
- 14h từ mốc 0 trở về, khoảng 16h-17h sẽ về tới đồn 317
- Thu dọn đồ đạc và chạy ngược ra Mường Nhé nghỉ ngơi
Ngày 3 : Mường Nhé – Điện Biên Phủ – Hà Nội
- Từ Mường Nhé chạy ngược ra Tp Điện Biên Phủ, thăm thú một số di tích như Hầm Đờ Cát, Đồi A1, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ …
- Tối người + xe máy lên ô tô trở về Hà Nội
Sáng sớm ngày 4 có mặt tại Hà Nội
2. Lịch trình 5 ngày 6 đêm
Ngày 0 : Hà Nội – Điện Biên
- Đi xe giường nằm từ Hà Nội lên Điện Biên
- Gửi xe máy theo ô tô
Ngày 1 : Điện Biên – Mường Chà – Mường Nhé – Đồn 317
- Sáng sớm có mặt ở Điện Biên, ăn sáng vào Bộ chỉ huy Biên Phòng tỉnh xin giấy phép.
- Thăm quan một số điểm du lịch như Hầm Đờ Cát, Đồi A1, Nghĩa trang đồi A1 trong khoảng 1 tiếng.
- Đi thẳng từ Điện Biên vào Mường Nhé (200km)
- Có thể lựa chọn nghỉ ngơi tại Mường Nhé (nếu đi vào các dịp lễ đông như 30-4) hoặc vào thẳng đồn 317 ngủ nhờ
Ngày 2 : Đồn 317 – Mốc 0 – Đồn 317 – Mường Nhé
- 8h sáng dậy ăn sáng, chuẩn bị đồ mang theo dọc đường và đồ ăn trưa để leo mốc
- 12h-14h tới mốc 0, dừng chụp ảnh và ăn trưa. Thời gian tùy thuộc vào khả năng leo núi của từng đoàn
- 14h từ mốc 0 trở về, khoảng 16h-17h sẽ về tới đồn 317
- Thu dọn đồ đạc và chạy ngược ra Mường Nhé nghỉ ngơi
Ngày 3 : Mường Nhé – Mường Lay – Sìn Hồ
- Từ Mường Nhé đi ngược ra Mường Chà rồi đi theo QL 12 đi Mường Lay
- Đến khu vực xã Chăn Nưa thì rẽ theo TL 128 đi Sìn Hồ
- Tối nghỉ ngơi tại Sìn Hồ
- Đừng quên đi tắm lá thuốc để xóa tan mệt mỏi mấy ngày vừa qua
Ngày 4 (Lựa chọn 1) : Sìn Hồ – Lai Châu – Tam Đường – Bình Lư – Mù Cang Chải (Thích hợp nếu đi vào mùa lúa chín)
- Sáng dây có thể đi chơi chợ Sìn Hồ nếu đúng ngày chợ họp, lên Đài tưởng niệm chụp ảnh toàn cảnh Sìn hồ
- Từ Sìn Hồ đi về Thị xã Lai Châu, qua Tam Đường tới ngã 3 Bình Lư thì rẽ đi Than Uyên -> Mù Cang Chải. Nếu thời tiết đẹp thì sẽ được ngắm mây Sìn Hồ.
- Nếu về sớm có thể tranh thủ đi chơi quanh Mù Cang Chải
- Tối ngủ và ăn uống tại Mù Cang Chải
Ngày 4 (Lựa chọn 2) : Sìn Hồ – Lai Châu – Tam Đường – Bình Lư – Sapa
- Sáng dây có thể đi chơi chợ Sìn Hồ nếu đúng ngày chợ họp
- Từ Sìn Hồ đi về Thị xã Lai Châu, qua Tam Đường tới ngã 3 Bình Lư thì rẽ đi đèo Ô Quy Hồ -> Thị trấn Sapa
- Tối nghỉ ngơi và chơi tại Sapa
Ngày 5 (Lựa chọn 1) : Mù Cang Chải – Tú Lệ – Nghĩa Lộ – Hà Nội
- Phương án 1 : Dạo chơi Thị trấn Mù Cang Chải, rồi về Tú Lệ ăn trưa sau đó chạy thẳng về Hà Nội
- Phương án 2 : Dành nguyên 1 ngày để chơi ở Mù Cang Chải, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Đèo Khau Phạ rồi nửa đêm gửi người và xe máy theo xe khách Lai Châu về Hà Nội
Ngày 5 (Lựa chọn 2) : Sapa – Hà Nội
- Dành trọn 1 ngày để du lịch Sapa kết hợp với nghỉ ngơi lấy sức
- Tối gửi người + xe máy về Hà Nội bằng tàu hỏa hoặc ô tô
Sáng ngày 6 có mặt tại Hà Nội.
Một số kinh nghiệm phượt A Pa Chải:
Chuẩn bị đồ đạc:
- Nên mang theo 1 đôi giầy bộ đội (hoặc giầy dành cho việc leo núi) tránh sử dụng các loại không phù hợp như giày da, giày búp bê (với các bạn nữ). Đối với nam bạn nào đi được dép tổ ong thì cứ dùng
- Mặc quần áo dài, đeo khẩu trang và dùng khăn rằn quấn cổ khi đi qua đồi cỏ gianh, tránh việc bị cỏ cứa vào chân, tay gây chảy máu.
- Mang theo 1 áo mưa mỏng dạng áo để khoác trong trường hợp trời mưa và khi đi xuyên rừng để tránh bị ngấm lạnh.
- Khi vào tới Mường Nhé thì nhớ mua nước mang theo, mua tại Trung tâm huyện bao giờ cũng dễ hơn so với việc vào trong xã mới tìm mua. Leo mốc 0 khá mệt và mất nước nên cứ tính bình quân mỗi thành viên 1 chai 1,5 lít. Nếu được thì chuẩn bị trước 1 ít đường Gluco hòa vào nước để uống cùng, đường Gluco có tác dụng chống mỏi cơ khi leo.
Giấy tờ thủ tục:
- Mang đầy đủ CMND, Hộ chiếu hoặc giấy tờ xác nhận nhân thân
- Nếu thành viên nào trong đoàn có thể xin giấy giới thiệu thì mang đi, thuận lợi hơn khi đi đường (các loại giấy tờ của báo thì quá ổn)
- Khi lên tới Điện Biên thì vào Bộ chỉ huy BP Tỉnh để xin phép nhất là đi vào những dịp nhạy cảm như 30-4, 2-9… bạn nào có những mối quan hệ sẵn với bên BP rồi thì có thể bỏ qua bước này.
- Liên hệ với Đồn 317 trước ngày lên để nhờ các anh chuẩn bị đồ ăn, nếu ngày bạn vào đến Mường Nhé muộn quá (sau 20h) thì chủ động mua thức ăn từ ngoài huyện mang vào và tự nấu, không nên phiền đến các chiến sĩ ở đồn.
Chúc bạn có chuyến phượt A Pa Chải an toàn, vui vẻ và đầy ý nghĩa!