Đến Hà Giang nên đi những đâu?
29/08/2016 862
Hà Giang là một điểm đến hấp dẫn với nét đẹp vừa hoang sơ vừa hùng vĩ luôn có sức hút với dân du lịch khắp Việt Nam. Đến Hà Giang không chỉ ngắm hoa tam giác mạch hay đắm mình giữa khung cảnh đất trời rộng mở ở Mã Pì Lèng, bạn vẫn còn rất nhiều trải nghiệm khác đang chờ bạn khám phá nơi miền cao nguyên đá.
Để không bỏ phí nhưng điểm du lịch ở Hà Giang, bạn nên tham khảo một số thông tin địa điểm sau nhé:
Đến với bãi đá cổ, di chỉ khảo cổ
Cách trung tâm huyện Xí Mần khoảng 17 km, là quần thể những tảng đá có khắc những dấu hiệu trên đó mà theo các nhà khoa học, những hình khắc đó đã có niên đại 2.000 năm. Bãi đá có khoảng 7 phiến đá lớn và 2 cự thạch (tảng đá cực lớn) trên đó có khắc vẽ khoảng 80 hình đa dạng… Bãi đá khắc cổ là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà khoa học và du khách ưa khám phá, tìm hiểu lịch sử.
Khu di tích kiến trúc nhà Vương
Công trình độc đáo, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, mô phỏng theo kiến trúc Trung Quốc (đời Mãn Thanh) với những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo. Đây không chỉ là dinh thự mà còn là pháo đài phòng thủ giữa cao nguyên đá trong thời kỳ lịch sử. Nhà Vương có diện tích trên 1.000 mét đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Phố cổ Đồng Văn
Dãy phố dài gần một km được hình thành cách đây gần một thế kỷ, với những nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào vùng cao với nhà trình tường, mái ngói âm dương, nền lát đá… Điểm nhấn và bắt đầu của dãy phố là khu chợ cổ, được xây bằng đá mái lợp ngói âm dương. Phố cổ Đồng Văn còn hơn 40 ngôi nhà 100-300 tuổi, trong đó ngôi nhà của dòng họ Lương được xác định là lâu đời nhất.
Cột cờ Lũng Cú
Điểm du lịch mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng. Đứng trên đỉnh Lũng Cú, có thể nhìn bao quát quanh cảnh hùng vĩ xung quanh. Cột cờ Lũng Cú nằm ở độ cao trung bình 1.600 mét so với mặt biển, bên trái là thung lũng Thèn Ván, bên phải là đầu nguồn dòng sông Nho Quế bắt đầu từ Vân Nam Trung Quốc đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc.
Chợ phiên vùng cao
Hà Giang cũng như nhiều vùng núi khác thường có các chợ phiên. Nơi đây không chỉ là hình thức tổ chức kinh tế mà còn là nếp sinh hoạt văn hóa đậm đà và sâu sắc, chứa đựng các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Hà Giang thường có các phiên chợ lùi ở các xã. Gọi là chợ lùi vì họp luân phiên ngược lại các thứ trong tuần. Ví dụ tuần này họp vào chủ nhật, tuần sau sẽ họp vào thứ 7, tiếp theo sẽ vào thứ 6… Đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà nó còn là nơi biểu hiện đậm nét nhất những bản sắc văn hóa dân tộc của vùng cao.
Núi Đôi Quản Bạ – “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”
Núi Đôi Quản Bạ có hình dáng tròn trịa, đầy quyến rũ, trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá.
Làng văn hóa Lũng Cẩm
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim và là nơi khởi nguồn sáng tác cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, điển hình, Làng Lũng Cẩm đã được chọn làm bối cảnh trong phim nhựa “Chuyện của Pao”, bộ phim này đã đạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Không ai biết đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì mất bao nhiêu lâu để biến những ngọn núi đất thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Chỉ biết rằng, ruộng bậc thang đã được đồng bào khai thác từ hàng trăm năm nay, thay thế cho việc làm nương làm rẫy, hết đời này qua đời khác, con người nơi đây lấy ruộng bậc thang làm kế sinh nhai. Ruộng bậc thang cũng đánh dấu quá trình định canh định cư, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho các hộ gia đình.
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám
Từ cổng trời nhìn xuống, Lùng Tám là một xã nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá mù sương, bốn mùa mây phủ. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông nổi tiếng với nghề dệt lanh, nhuộm chàm và vẽ sáp ong, cũng là nơi mà: “Chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên…”
Thung lũng Sủng Là – “Nơi đá nở hoa”
Từ hướng Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn, đến ngã ba Phó Bảng, nơi con đèo xinh đẹp ôm trọn một thung lũng xanh, đó chính là Thung lũng Sủng Là – “đóa hoa hồng” của cao nguyên đá.
Con đường Hạnh phúc – con đường của máu và hoa.
Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 – 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. Mã Pì Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.