Đến Hà Nội tham quan những đâu?

14/06/2015 382

Hà Nội là một địa danh tạo nhiều cảm hứng sáng tác cho các nhà thơ, nhạc sĩ. Những bài thơ, bài hát viết về Hà Nội rất nhiều, rất đa dạng và tràn đầy cảm xúc. Tại sao Hà Nội lại tạo được nhiều nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ sáng tác đến vậy? Ở Hà Nội có những dấu ấn gì thu hút họ?

Phải nói rằng, Hà Nội là một địa danh có rất nhiều điểm tham quan nổi tiếng. Mỗi con đường, mỗi góc phố ở Hà Nội dường như đều có một cái gì đó rất riêng không những thu hút du khách ghé qua mà còn để lại trong lòng người dân nơi đây những cảm xúc khó tả.

Bạn là một người ở nơi khác tới? bạn muốn tham quan, khám phá Hà Nội nhưng lại không biết nên đi những đâu? Có quá nhiều điểm du lịch Hà Nội nhưng thời gian của bạn lại khá eo hẹp? Bạn đừng lo, dưới đây là những chia sẻ của tuoidep.net về những điểm tham quan nổi tiếng tại Hà Nội gắn liền với lịch sử và là những thắng cảnh đẹp được lưu giữ từ xưa tới nay.

Tin liên quan:

Hồ Gươm

Hồ còn có tên Hoàn Kiếm, hay hồ Lục Thủy khi xưa, gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa thần. Xung quanh địa danh quan trọng này còn có rất nhiều di tích nổi tiếng như cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, Tháp Bút, đền vua Lý Thái Tổ… Hồ Gươm là một phần không thể thiếu của Hà Nội, được ví như trái tim của Hà Nội nói riêng và của cả nước Việt Nam nói chung.

Hồ Gươm

Hồ Gươm

 

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Công trình khởi công vào ngày 2/9/1973 tại trung tâm quảng trường Ba Đình. Phía trước và phía sau lăng trồng 79 cây vạn tuế, tượng trưng cho 79 năm trong cuộc đời của Hồ Chủ tịch. Hai bên phía nam và bắc của lăng là hai rặng tre, loại cây biểu tượng cho nước Việt Nam.

Lăng Bác

Lăng Bác

 

Cột Cờ Hà Nội

Đây là một trong những công trình kiến trúc thuộc khu thành cổ, được xây dựng từ năm 1812. Trải qua thời gian, cột cờ Hà Nội đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, thể hiện tinh thần bất khuất của cả dân tộc trong các cuộc chiến tranh. Hiện nay cột cờ nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (trước đây là Bảo tàng Quân đội), đường Điện Biên Phủ.

Cột Cờ Hà Nội

Cột Cờ Hà Nội

Văn Miếu Quốc Tử Giám – Khuê Văn Các

Vào ngày 1/7/2013, Luật Thủ Đô bắt đầu có hiệu lực, và Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính thức trở thành biểu tượng của Hà Nội. Công trình là biểu tượng trường tồn, vĩnh cửu của những nét tinh hoa văn hóa, giáo dục Việt Nam, niềm tự hào của người dân Hà Nội. Hiện nay di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm tham quan du lịch, học hỏi của du khách trong và ngoài nước.

Văn Miếu Quốc Tử Giám - Khuê Văn Các

Văn Miếu Quốc Tử Giám – Khuê Văn Các

Chùa Một Cột

Chùa có tên chữ là Diên Hựu, được xây dựng vào năm 1049 đời vua Lý Thái Tông. Bên trong chùa là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, cùng với Đài Liên Hoa như một đóa sen vươn lên mặt nước.

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột

Cầu Long Biên

Đây là cây cầu sắt đầu tiên bắc qua sông Hồng, nối liền hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên Hà Nội, được xây dựng vào năm 1898-1902. Cây cầu là chứng nhân lịch sử, xuyên suốt qua 3 thế kỷ thăng trầm của dân tộc. Nơi đây trở thành điểm đến ưa thích cho các bạn trẻ ghé chơi, chụp ảnh và tham quan.

Cầu Long Biên

Cầu Long Biên

Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành gắn liền với lịch sử phát triển của kinh thành Thăng Long năm xưa, là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn, và trở thành di tích quan trọng trong hệ thống các di tích Việt Nam… Hoàng thành là một di sản văn hóa thế giới, nằm ở trung tâm quận Ba Đình, là minh chứng về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ.

Hoàng thành Thăng Long

Hoàng thành Thăng Long

Nhà hát lớn Hà Nội

Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành vào năm 1911, với những nét kiến trúc của những nhà hát ở châu Âu vào thời kỳ đó. Kể từ lúc hoàn thành, trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử, từng là nơi quốc hội đầu tiên của Việt Nam nhóm họp và thông qua năm 1946… hiện nay Nhà Hát Lớn Hà Nội vẫn là một địa điểm biểu diễn nghệ thuật quan trọng bậc nhất của thủ đô.

Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà hát lớn Hà Nội

Nhà thờ lớn Hà Nội

Nhà thờ có tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse, là một trong những công trình kiến trúc Thiên Chúa Giáo được xây dựng sớm nhất của Hà Nội và cũng là một trong những nhà thờ có kiến trúc đẹp nhất. Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, Nhà Thờ Lớn có bề dày lịch sử quan trọng, là một phần thể hiện nét đa văn hóa của đất nước. Hiện nay mặt trước của công trình  vẫn thường xuyên diễn ra các hoạt động tín ngưỡng của giáo dân thuộc Tổng giáo phận Hà Nội.

Nhà thờ lớn Hà Nội

Nhà thờ lớn Hà Nội  

Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc được xây dựng năm 541-547, là ngôi chùa cổ nhất của Hà Nội có tên gọi ban đầu là Khai Quốc. Chùa nằm trên một hòn đảo nhỏ phía đông Hồ Tây, với lối kiến trúc kết hợp sự hài hòa, uy nghiêm, thanh nhã. Trong lịch sử hơn 1.500 năm, chùa luôn là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long, hiện nay là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô.

Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc

Phố cổ Hà Nội

Khu phố cổ Hà Nội là tên gọi thông thường của một khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội nằm ở ngoài hoàng thành Thăng Long. Khu đô thị này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Ngày nay khu phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Phố cổ Hà Nội

Phố cổ Hà Nội

Khu “Hà Nội 36 phố phường” là một cách gọi không chính xác của khu phố cổ, vì 36 phố phường là một cách gọi ước lệ khu vực đô thị cổ, nằm bên trong và bên ngoài cả khu phố cổ.