Du lịch Yên Tử, cách đi và điểm tham quan
06/02/2015 1418
“Mênh mênh mang mang phù vân Yên Tử
Vi vi vu vu Trúc Lâm Thiền Tự”
Lời bài hát của nhạc sỹ Phó Đức Phương được thể hiện qua giọng hát của nữ ca sỹ Mỹ Linh đã cho chúng ta cảm nhận được phần nào sự thanh tịnh, thư thái nơi chốn linh thiêng núi Yên Tử.
Núi Yên Tử là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Núi nằm ở ranh giới giữa 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Núi Yên Tử là một dải núi cao nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam với hệ thống động thực vật phong phú và đa dạng đã được nhà nước công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên. Phía Đông dãy Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh và phía Tây thuộc tỉnh Bắc Giang.
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.
Cách đi đến Yên Tử
Nói đến Yên Tử điểm du lịch miền Bắc nổi tiếng là nói đến địa phận núi Yên Tử thuộc Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 130 km. Từ Hà Nội và các tính lân cận đi về Yên Tử có thể đi bằng 2 cách : ô tô hoặc xe máy.
- Nếu bạn ở cách Yên Tử dưới 100km, bạn nên đi bằng xe máy để chủ động về phương tiện cũng như thời gian.
- Nếu bạn cách Yên Tử trên 100km, bạn nên đi bằng ô tô, tiết kiệm sức lực để leo núi.
Đến Yên Tử, bạn có thể gửi hành trang cá nhân ở phía dưới chân núi và nên mang theo những vật dụng đơn giản như chai nước, máy ảnh, gậy…để thuận tiện trong hành trình leo núi.
Có 2 cách để bạn lên núi Yên Tử : đi cáp treo hoặc leo bộ.
- Núi Yên Tử có 2 tuyến cáp treo được đặt cách nhau khoảng 3km. Điểm đầu của tuyến cáp treo thứ 1 cách chân núi Yên Tử khoảng 1,5km. Cáp treo là sự lựa chọn hoàn hảo cho khách du lịch có ít thời gian tham quan.
- Leo bộ : bạn sẽ mất khoảng 6 tiếng đồng hồ cho hành trình leo bộ của mình với khoảng 6000m.
Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn biện pháp kết hợp giữa leo bộ và đi cáp treo để thưởng thức phong cảnh nơi đây đa dạng hơn. Bạn có thể chọn đi cáp treo 1 lượt lên hoặc 1 lượt xuống, tùy vào hành trình mà bạn muốn tham quan.
Sau 10 năm, Quảng Ninh bắt đầu thu phí tham quan quần thể di tích Yên Tử với vé 40.000 đồng/ người lớn và 20.000 đồng/ trẻ em.
Bảng giá vé cáp treo tại núi Yên Tử năm 2018
Người lớn | Trẻ em | |
Khứ hồi 2 tuyến | 280.000 | 200.000 |
Khứ hồi tuyến 1 | 180.000 | 120.000 |
Khứ hồi tuyến 2 | 180.000 | 120.000 |
Một chiều tuyến 1 | 100.000 | 80.000 |
Một chiều tuyến 2 | 100.000 | 80.000 |
Các điểm tham quan Yên Tử
Suối Giải Oan, Chùa Hoa Yên, Chùa Một Mái, Chùa Đồng….
- Suối Giải Oan: Tục truyền xưa kia vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật. Vua Nhân Tông có rất nhiều cung tần và mỹ nữ. Họ đã khuyên ông trở về cung gấm nhưng không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm cho họ nên lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó con suối mang tên Giải Oan.
- Chùa Hoa Yên: (hay còn gọi là: chùa Cả, chùa Phù Vân, chùa Vân Yên) nằm ở độ cao 543 m với hàng cây tùng cổ tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử.
Phía trên độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi.
- Chùa Đồng: Tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 m. Chùa được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự. Đầu năm 2007, chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất (cao 3 m, rộng 12 m², nặng 60 tấn) đã được đưa lên đỉnh Yên Tử.
- Dọc đường còn có một số điểm tham quan như Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà đức Điếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết giảng chúng sinh. Đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam.
Lễ hội tại núi Yên Tử bắt đầu diễn ra từ ngày 10/01 đến hết tháng 03 âm lịch hàng năm. Vào mùa lễ hội, du khách thập phương về đây rất đông, nếu bạn muốn chiêm ngưỡng và cảm nhận được sự chốn “huyền không” Yên Tử trọn vẹn nhất, bạn nên đi vào thời gian sau lễ hội. Nếu bạn muốn đầu xuân leo núi, ngắm cảnh, cầu an bạn nên đi vào khoảng tháng 2 âm lịch.
Về việc ăn uống khi du lịch núi Yên Tử cũng có 2 cách: hoặc là bạn mang theo đồ ăn sẵn như bánh mỳ, xôi…hoặc là bạn ăn tại nhà hàng Hoa Yên với nhiều món đặc sản, nổi tiếng là món măng trúc…
Đi lên Yên Tử, bạn nên lựa chọn thời điểm bạn thư thái về thời gian nhất bởi bạn sẽ phải mất khá nhiều sức lực để leo núi. Nếu bạn đi vội, bạn sẽ không cảm nhận hết được vẻ đẹp huyền diệu nơi đây. Thời gian 2 ngày 1 đêm là khoảng thời gian vừa đủ để bạn leo núi, ngắm cảnh một cách thoải mái và giữ được sức khỏe tốt cho bản thân.